4.7.10

Ông lang chữa khỏi ung thư hạch ác tính

Chúng tôi nhờ người đưa về Hải Dương tìm gặp anh Tạ Quang Trung, ở thôn Trung, Cẩm Đông, Cẩm Giàng (Hải Dương).


Hỏi thăm từ đầu xóm, ai cũng biết vợ chồng Trung - Thi. Ở đây, người ta gọi anh Trung là người từ cõi chết trở về.

"Không sống được quá 6 tháng nữa"

Đứng trước ngôi nhà 3 tầng mới toanh, khá đồ sộ, anh Đạo, người dẫn đường cho chúng tôi tìm về đây có chút bất ngờ: "Sao bảo nghèo lắm, không có tiền uống thuốc cơ mà?".

Chúng tôi hỏi thăm lại chuyện đau ốm khi xưa. Anh Trung kể: Tôi bị ung thư hạch ác tính. Khi chiếu chụp ở trong phổi có hạch, nách có hạch, dọc hai bên sườn có hạch, chạy cả lên đầu cũng có hạch. Vòm họng cũng có.

Hai vợ chồng dắt nhau ra Viện K, điều trị ở viện hai tháng. Lúc đầu cũng tiêm thuốc, sau khám lại lần cuối, họ mới phát hiện hạch ác tính. Bác sĩ bảo truyền hoá chất, gia đình hỏi truyền hoá chất có khỏi hẳn được không, bác sĩ bảo không khỏi hẳn được, chỉ kéo dài được thời gian sống thêm ra.

Vét hết tiền nong vay mượn, chỉ đủ đi tia xạ một tháng là cạn tiền, chúng tôi đành dắt díu nhau về quê. Viện K bảo tôi không sống quá được 6 tháng nữa. Vợ tôi lúc bấy giờ khóc ghê lắm, sau rồi giấu chồng khóc lúc nào không biết nhưng lúc nào nhìn thấy mặt vợ, là y rằng thấy hai mắt đỏ hoe, ầng ậng nước mắt.

Chữa Đông y cho nó... nhẹ tiền

Về nhà được vài hôm thì đến Tết Nguyên đán. Nhà cửa lúc bấy giờ Tết nhất mà như đưa đám, u ám, ảm đạm. Nhà hết tiền, chồng thì sắp chết, vợ tôi như người ngớ ngẩn, cứ đi ra đi vào, khóc khóc mếu mếu.

Có người đến chơi, mách có ông lang Lượng ở ngay bên Mộ Trạch, chữa khỏi được ung thư bằng Đông y, hai vợ chồng bàn nhau hay là chữa bằng thuốc lá cho nhẹ tiền. Lúc đấy đã xác định là chết, vợ quệt nước mắt bảo chả lẽ cứ nằm chờ chết, âu là cứ cho chồng uống thuốc lá cho đến chết cho đỡ ân hận.

Gặp được, ông Lượng bảo: Chết thế nào được, anh mà chết, tôi làm ma cho anh. Uống thuốc của ông đến 3 tháng mới thấy "đứng im" bệnh, không phát triển thêm hạch. Càng đến gần cái mốc 6 tháng bệnh viện đưa ra, gia đình càng sốt ruột, cứ khóc mếu hỏi ông ơi sao lâu khỏi bệnh thế. Ông cứ cười khà khà bảo làm sao chết được mà sợ, cứ kiên trì uống thuốc, rồi sẽ khỏi. Chỉ 6 tháng thôi là khỏi.

Mãi sau này, lúc khỏi bệnh rồi, vợ mới kể là lúc đấy ông sợ anh không kiên trì uống thuốc nên rỉ tai bảo: Hai ông con phải động viên nó, nói 6 tháng là khỏi cho nó đỡ sốt ruột.

Hết 6 tháng chả thấy chết, ông lại bảo uống thêm 3 tháng nữa, rồi lại 3 tháng nữa. Thực ra ông đã nói rõ với vợ là xác định uống trong ít nhất một năm, vì quá nặng rồi.

Thấy hai vợ chồng nghèo quá, ông lại miễn tiền thuốc cho. Một năm sau, hạch tiêu đi hẳn, không còn tí nào. Lúc đấy ông lại cười khà khà bảo hồi đấy mà bảo phải chữa mất 1 năm, có mà nhà anh "chạy mất dép".

Vừa đắp thuốc ngoài, vừa uống thuốc trong của ông, chả hiểu bao nhiêu những cục hạch to nhỏ biến đi đâu hết. Hạch to lắm, có cái to bằng cái chén. Nó mọc trong phổi nên ho, hạch lên đầu nên đau đầu nhức óc, chỉ muốn có người cầm búa bổ cho một nhát cho xong.

Giờ khỏi hẳn, ngon lành rồi. Từ bấy đến nay hơn chục năm, chả phải đi bệnh viện lần nào, cũng chả thấy mọc hạch. Chả thấy chết.

80 tuổi vẫn chưa già

Tôi cứ nghĩ, giống như các ông lang khác, nhất định ông lang này sẽ bận bộ quần áo tươm tất màu nâu, râu tóc bạc trắng. Nhưng ông lang Lượng mà chúng tôi gặp lại bận chiếc quần bộ đội cũ màu xanh, chiếc áo sơ mi trắng giản dị. Đấy là nói tránh đi bằng hai chữ giản dị, chứ nếu nói thẳng ra, thì tuềnh toàng quá.

Tôi đánh bạo hỏi tuổi, ông lang Lượng cười khà khà: "Còn trẻ lắm. Mới có 80 thôi. 80 đâu phải là già".

Bên chén trà thơm ngát, trong cái vừa hửng trong xanh của bầu trời sau một trận bão lớn, ông lang Lượng giãi bày với chúng tôi con đường làm thuốc của ông và gia đình.

Dòng họ nhà ông, cả mấy đời làm thuốc. Nhưng đến đời bố ông, lại không làm, chỉ có bà bác làm. "Ngày trước, có xơ gan cổ trướng là ghê gớm lắm rồi, bệnh này bà bác tôi xử lí ngon", ông Lượng nói.

"Tôi thì đi làm cán bộ thuỷ sản. Bà bác cũng truyền dạy cho nghề thuốc của tổ tiên. Sau làm nghề thuốc Đông y ở phố Mẹt, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn. Lúc đó thì chữa bằng thuốc Bắc và chưa biết chữa bệnh ung thư.

Sau đó nghỉ, gặp được ông bố của một người bạn, là giáo sư người Mỹ gốc Hoa, tên là Tô Quốc Lực. Ông này cho một quyển sách dạy cách chữa các bệnh ung thư bằng Đông y. Từ đấy bắt đầu chữa các bệnh về ung thư.





GS.TS Lê Thế Trung (nguyên giám đốc Bệnh viện 103, chủ tịch Hội ung thư Hà Nội):

Không phải ung thư nào cũng chữa nổi. Phải là loại nào, ở giai đoạn nào. Đây là vấn đề khoa học, không thể nói miệng với nhau mà phải có kiểm nghiệm khoa học. Muốn kiểm nghiệm phải có bệnh nhân được Tây y chẩn đoán ung thư. Sau đó cho dùng thuốc để kiểm nghiệm.

Nếu ung thư khỏi thì phải 5 năm sau mới công nhận. Không thể vội vàng nói hết, nói khỏi là khỏi ngay được. Ung thư phải rất cẩn thận, chữa từ lúc mới mắc mới có hi vọng. Sợ nhất là đã di căn.

Trường hợp ông lang ở Hải Dương này, bản thân tôi cũng đã về tận nhà ông này, nhưng cũng chưa có thể kết luận được điều gì vì chưa có kiểm nghiệm khoa học. Theo tôi, trong điều trị ung thư, nên kết hợp Đông - Tây y, không nên tách rời Đông y hay Tây y ra.
Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét